Bộ NN-PTNT kỳ vọng phát triển ngành chế biến gỗ là một ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, với thực lực của ngành này hiện nay thì dự định này như chiếc áo quá rộng.
Xem bài khác trên Vef.vn
Yếu trong cơ cấu
Muốn trở thành ngành mũi nhọn đòi hỏi ngành phải chủ động về nguyên liệu, doanh nghiệp đủ mạnh, sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, có thế đứng trên thị trường... Tuy vậy, phần lớn các doanh nhiêp nội hiện còn loay hoay gia công. Hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 95% thuộc sở hữu tư nhân, còn lại thuộc nhà nước. Song, nhìn chung các doanh nghiệp chế biến gỗ đều là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cả về số lượng lao động cũng như nguồn vốn đầu tư.
Theo số liệu từ Cục chế biến Thương mại Nông Lâm sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có đến 46% tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô siêu nhỏ; 49% là quy mô nhỏ; 1,7% là quy mô vừa; 2,5% là quy mô lớn. Còn nếu xét về vốn đầu tư, có đến 93% số doanh nghiệp chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Nhiều cơ sở chế biến nhỏ và siêu nhỏ, nhất là ở các khu vực làng nghề người lao động hầu như không được đào tạo cơ bản nên khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất không cao. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không thể đưa ra được những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sản phẩm của các nước mà chấp nhận gia công cho nhều doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: "Hiện doanh nghiệp FDI đang chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp FDI chế biến gỗ chỉ chiếm 16%. Nhờ có dây chuyền hiện đại và tự động hóa cao nên các doanh nghiệp FDI này luôn đưa ra thị trường những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao. Đây là điểm mà doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra thất thế".
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu vì vậy sức mua trên thị trường giảm hẳn. Cụ thể, thị trường thế giới giảm 30% nhu cầu sản phẩm chế biến đồ gỗ, còn tại thị trường nội địa ngành gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi hàng gỗ nhập khẩu. Vì thế, để gượng dậy trong thời điểm khủng hoảng vẫn là điều khó với các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho hay: "Trong tình hình sức mua của thị trường nước ngoài giảm đáng kể, một số doanh nghiệp đã quay về chiến đấu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, họ vẫn loay hoay do chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp, thiếu hệ thống phân phối và giá bán bất hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp còn vướng nhiều thuế quan cộng với gian lận thương mại khiến cạnh tranh không hề dễ dàng".
Chưa chủ động được nguyên liệu
Trong khi Bộ NN-PTNT muốn phát triển ngành chế biến gỗ là một ngành mũi nhọn thì nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó thực hiện bởi Việt Nam chưa chủ động về nguyên liệu. Thậm chí, nguyên liệu còn đang thiếu trầm trọng. Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu gỗ, chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm.
|
Chưa chủ động được nguyên liệu khiến ngành gỗ chưa thể trở thành ngành mũi nhọn. |
Năm 2011, chúng ta nhập 1,3 tỷ USD nguyên liệu chế biến gỗ; 7 tháng đầu năm 2012, con số này là 700 triệu USD. Như vậy, nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên các doanh nghiệp chế biến luôn bị động trong sản xuất và kinh doanh. Chưa kể, ngành còn khó phát triển bền vững, tính cạnh tranh thấp.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, khẳng định: "Chúng ta đang xuất khẩu nguyên liệu thô quá nhiều. Hơn nữa, thiếu nguyên liệu gỗ một phần do chưa gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ. Sự thiếu gắn kết này là một mặt khiến cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên rừng chưa cao, giá trị gia tăng của lâm sản chưa được như mong muốn. Mặt khác, làm hạn chế sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ".
Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm gỗ đến năm 2020 đạt 7 tỷ USD như chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, cần tập trung trồng rừng theo phương thức thâm canh để giảm 50% ván nhập khẩu vào năm 2020; thỏa thuận với các nước có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, cung cấp dài hạn cho Việt Nam. Cần có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và nhà nước để người trồng rừng có điều kiện phát triển kinh doanh gỗ lớn.
"Còn nhiều vấn đề đặt ra khi đưa chế biến gỗ trở thành ngành công nghệ mũi nhọn. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải phát triển đúng định hướng, có quy hoạch và chính sách cụ thể. Cần có hướng đi đúng tạo nguyên liệu. Trong đó, phấn đấu đến 2020 cung cấp 60% nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, năm 2030 cung cấp được khoảng 75% nguyên liệu", ông Dũng nhấn mạnh.